Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung kế hoạch năm học 2021-2022, nhiều tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết cho địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giangquyết định thời gian tựu trường, khai giảng năm học mới và kết thúc năm học giống như các mốc của Bộ. Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, học kỳ I sẽ gồm 18 tuần thực học, bắt đầu từ ngày 6/9/2021 đến 14/1/2022; học kỳ II gồm 17 tuần thực học, từ 17/1/2022 đến 25/5/2022. Với giáo dục thường xuyên, các mốc tương tự nhưng chỉ gồm 32 tuần thực học chia đều cho hai kỳ, đảm bảo kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022. Các mốc thời gian này tương tự như năm học 2020-2021.
Riêng với lớp 1, tỉnh cho học sinh tựu trường từ ngày 23/8 để các em có thời gian làm quen với nội quy trường lớp, nền nếp, môi trường, đồ dùng học tập, chỉ dẫn, ký hiệu học tập. Trong khoảng thời gian này, giáo viên sẽ tổ chức một số hoạt động trò chơi cho trẻ rèn kỹ năng, tự tin trước khi bước vào lớp 1.
Học sinh lớp 1 tại Bắc Giang trong giờ học Tiếng Việt hôm 19/1. Ảnh: Dương Tâm.
Hồi tháng 5, Bắc Giang là tâm dịch của cả nước với mấy nghìn ca Covid-19, đến nay chỉ còn lẻ tẻ vài ca mỗi ngày. 99,8% bệnh nhân đã ra viện, số đang điều trị chủ yếu là trường hợp nhẹ và không triệu chứng. Toàn tỉnh cũng đã tiêm được gần 324.000 liều vaccine, đạt gần 18% dân số.
Lường trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bắc Giang kéo dài thời gian xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS thêm nửa tháng so với năm học trước, đến ngày 30/6/2022 thay vì 15/6. Điều này sẽ giúp các trường chủ động, dự phòng tình huống ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tỉnh Ninh Bình quyết định cho học sinh tựu trường vào ngày 1/9, riêng lớp 1 là ngày 23/8 như khung kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng thời điểm kết thúc học kỳ I, tỉnh để ngày 8/1/2022, sớm hơn khoảng một tuần so với mốc mà Bộ đưa ra. Thời gian kết thúc năm học vẫn là trước ngày 31/5/2022.
Yên Bái , Tuyên Quang , Hà Tĩnh cũng ban hành quyết định tương tự. Học sinh lớp 1 sẽ đến trường sớm nhất vào ngày 23/8. Các tỉnh chỉ chênh nhau một vài ngày ở mốc kết thúc học kỳ I, nhưng vẫn đảm bảo năm học phải hoàn thành trước 31/5. Hiện, các tỉnh đều yêu cầu các trường học chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên để bắt đầu năm học mới, trong đó đặc biệt quan tâm biện pháp an toàn trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Trước đó ngày 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung kế hoạch năm học mới áp dụng với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên với mốc tựu trường sớm nhất là ngày 23/8 với học sinh lớp 1. Dựa vào khung kế hoạch năm học do Bộ ban hành, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch riêng phù hợp với thực tế, trong đó thời gian nghỉ học, tựu trường sớm và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung chung.
Khung kế hoạch năm học này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt từ các tỉnh, thành đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Nhiều nhà giáo đề xuất Bộ nới khung, chuẩn bị nhiều kịch bản, giúp địa phương chủ động trong dạy học.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), giải thích các mốc Bộ đưa ra là “sớm nhất” hoặc “muộn nhất”, không có nghĩa yêu cầu tất cả địa phương tựu trường và kết thúc năm học cùng một ngày.
Những tỉnh thành đang khó khăn về dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thì ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Chẳng hạn ở Hà Nội và TP HCM, UBND thành phố có thể căn cứ vào tình hình dịch bệnh để đưa ra mốc thời gian tựu trường và kết thúc năm học phù hợp. Địa phương có thể chuyển sang giữa tháng 9, thậm chí sang tháng 10, đồng nghĩa thời gian kết thúc năm học sẽ không phải là 31/5 mà là 15/6.
Dương Tâm