Viết, in giáo án – vất vả và lãng phí
Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 4.9.2020, Ban hành Điều lệ Trường tiểu học ra đời đã có rất nhiều thay đổi so với Điều lệ trước đây. Trong đó, tại Điều 21 quy định Hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đã hướng dẫn: “Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy”.
Điều này đã mở ra nhiều hướng đi mới cho các nhà trường về việc quản lý hồ sơ sổ sách hàng năm tại đơn vị mình.
Chuyện soạn, in, duyệt giáo án của giáo viên hiện nay và nếu gọi theo chương trình giáo dục phổ thông mới là kế hoạch bài dạy đã là một đề tài được nói khá nhiều trên các diễn đàn báo chí trong thời gian qua.
Mỗi năm, giáo viên phải in tới 7-8 trăm trang giáo án nộp lên Ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn để kiểm tra, ký duyệt khiến cho giáo viên mệt mỏi và người lật đọc từng trang giáo án cũng chẳng sung sướng gì.
Năm này qua năm khác thì chuyện tổ chuyên môn, Ban giám hiệu duyệt giáo án (in giấy) vẫn cứ được lặp đi, lặp lại.
Ngoài ra, mỗi khi kiểm tra chuyên đề, kiểm tra nội bộ, thanh tra thì giáo viên còn được kiểm tra giáo án thêm một vài lần nữa. Giáo viên cứ ôm đi, ôm về và phải giữ gìn cẩn thận từng trang giáo án suốt cả năm học cũng khiến cho họ cảm thấy chán ngán.
Đổi mới kiểm tra và duyệt giáo án
Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Tĩnh đã khuyến khích giáo viên, các nhà trường sử dụng giáo án điện tử (không in ra giấy), sử dụng hồ sơ chuyên môn điện tử. Giáo viên, nhà trường đưa giáo án, hồ sơ điện tử lên trang website của trường, email, Google Drive…sẽ tiện lợi vô cùng.
Tổ chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường, Phòng, Sở quản lý bằng cách kiểm tra (mọi lúc, mọi nơi) trên website, email, Google Drive,…
Bà Hà Thị Bích Liên – Phó trưởng Phòng GDĐT huyện Hương Sơn – cho biết: “Các trường học trên địa bàn huyện miền núi Hương Sơn đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tổ chức dạy học; tăng cường sử dụng các mô hình học tập kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến, khuyến khích giáo viên hỗ trợ việc học tập của học sinh trên nền tảng CNTT đã có sẵn; tăng cường ứng dụng CNTT trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh;
Đặc biệt là ứng dụng CNTT trong quản lý hồ sơ chuyên môn như sử dụng hiệu quả sổ điểm điện tử, học bạ điện tử,… khuyến khích các nhà trường sử dụng phần mềm, email hoặc Google drive để phê duyệt kế hoạch bài dạy trực tuyến”.